Lại một lần nữa, một mùa giải đầy sự kiện lại sắp qua đi. Và cũng đến lúc chúng ta có dịp nhìn lại những điều nổi bật của quần vợt 2015.
1. Cuộc thống trị của Djokovic và Serena
Với 6 chức vô địch Grand Slam, 16 danh hiệu khác và ngôi vị số 1, mùa giải 2015 được coi là một cõi thống trị của ông hoàng bà hoàng quần vợt Novak Djokovic, Serena Williams. Djokovic thậm chí còn kết thúc năm 2015 bằng việc vô địch ATP World Tour Finals lần thứ 4 liên tiếp và đạt số điểm gần gấp đôi Andy Murray. Phía Serena thì mọi việc chững lại kể từ sau thất bại của cô tại US Open.
2. “Big Four” và hơn thế nữa
Khi “Big Four” không còn là tâm điểm duy nhất của sự chú ý, quần vợt nam trở nên nhiều màu sắc hơn. Stan Wawrinka đã xuất sắc giành chức vô địch Roland Garros bằng việc chiến thắng Djokovic trong trận chung kết, đồng thời cũng “kết liễu” giấc mộng “ăn 4” của tay vợt người Serbia. Hơn thế nữa, danh hiệu ấy đã giúp Wawrinka được coi là một tay vợt lớn khi bộ sưu tập của anh cũng đã có tới 2 chức vô địch Grand Slam, trong một kỷ nguyên mà “Big Four” gần như thống trị hoàn toàn.
Bản thân “Big Four” cũng có những bước tiến khác. Murray thì có mùa giải đất nện tốt nhất trong sự nghiệp và vô địch Davis Cup cùng đội tuyển Liên hiệp Anh. Roger Federer thì là thách thức thường xuyên lớn nhất trên con đường vinh quang của Djokovic. Chỉ có Rafael Nadal là tụt lại đôi chút nhưng anh vẫn tham dự ATP World Tour Finals.
3. Những người Ý làm nên chuyện ở US Open
Khi mà Serena tỏ ra quá mạnh, US Open nghiễm nhiên là nơi mà người ta dự đoán cô sẽ vô địch. Thế nhưng trận chung kết lại diễn ra giữa 2 tay vợt người Ý. Ở bán kết, Roberta Vinci đã đánh bại Serena để chạm trán người bạn thuở niên thiếu của mình Flavia Pennetta, người mà sau đó giành chức vô địch Grand Slam đầu tiên trong sự nghiệp của mình. Người ngồi theo dõi Pennetta trên khán đài là vị hôn phu của cô, Fabio Fognini, tay vợt cũng đánh bại Nadal ở giải nam.
4. Nadal không còn là “vua đất nện”
Hay nói đúng hơn là đế chế của Nadal trên mặt sân sở trường đã sụp đổ. Kể từ chức vô địch Roland Garros đầu tiên năm 2005, tay vợt người Tây Ban Nha gần như bất bại trên mặt trận này với 9 danh hiệu tại Paris và hơn 40 chức vô địch tại các giải đất nện khác. Nhưng năm 2015 thì không. Anh chỉ giành được 2 danh hiệu đất nện nhỏ, thua Djokovic tại tứ kết Roland Garros.
5. Chuyện của những người trẻ
Niềm tự hào châu Á Kei Nishikori tụt hạng 5 xuống 7 trên BXH ATP. Milos Raonic thì giờ đã văng khỏi top 10 (từ 8 xuống 14) còn nhà vô địch US Open 2014 Marin Cilic thì rơi từ hạng 9 xuống hạng 13. Tay vợt mà đời tư nhiều tai tiếng Grigor Dimitrov thì thụt hạng khá thảm – từ 11 xuống 28. Dù độ tuổi cũng dao động từ 24 đến 27 nhưng họ vẫn được dán mác “trẻ” là bởi “Big Four” đã khá già.
Nhưng ở WTA thì các tay vợt trẻ lại làm nên chuyện. Simona Halep vươn lên ngôi số 2 thế giới, Garbine Muguruza lọt vào chung kết Wimbledon, lên số 3 thế giới. Những cái tên khác như Karolina Pliskova, Madison Keys, Elina Svitolina, Belinda Bencic đều nằm trong top 20.
6. Gừng càng già càng cay
Trong khi đó, thì những tay vợt “đứng tuổi” thì liên tiếp gặt hái vinh quang. Ngoài Serena thì cô chị Venus Williams cũng trở lại top 10. Federer, ở tuổi 34 vẫn là tay vợt số 3 thế giới. Trong top 10 còn có 1 tay vợt 33 tuổi khác là David Ferrer. Số tuổi trung bình của top 10 ATP là 30. Một số tay vợt khác thì thi đấu còn tốt hơn lúc họ trẻ. Ví dụ như Feliciano Lopez, Gilles Muller, Julien Benneteau, Guillermo Garcia-Lopez. Tại giải nữ thì trong 6 tay vợt lọt vào top 10 lần đầu tiên trong sự nghiệp, có tới 4 người từ 26 tuổi trở lên, là: Ekaterina Makarova, Carla Suarez Navarro, Lucie Safarova và Timea Bacsinszky.
7. Số 1 và phần còn lại
WTA vẫn nấp dưới cái bóng khổng lồ của Serena. Halep dù chơi tốt trên mặt sân cứng nhưng lại thất bại trên mặt sân đất nện sở trường. Maria Sharapova đã khởi đầu mùa giải tốt nhưng rồi lại dính chấn thương. Muguruza gây sốt với việc lọt vào bán kết WTA Finals nhưng suốt cả mùa giải, cô thi đấu không ổn định. Sự thiếu chắc chắn này còn là vấn đề của những tên tuổi lớn như Petra Kvitova và Agnieszka Radwanska.
Cựu số 1 thế giới Caroline Wozniacki, Ana Ivanovic và Victoria Azarenka thì thậm chí còn chẳng làm nên được chuyện gì.
8. Hingis lại giành Grand Slam
Martina Hingis giành những chức vô địch này khi cô vẫn còn tuổi teen trước khi trở lại sau một thời gian treo vợt để rồi lại gặt hái vinh quang, nhưng là ở nội dung đánh đôi. Tay vợt 35 tuổi này đã vô địch 10 danh hiệu đánh đôi trong đó có 9 chiếc cúp là cùng đồng đội Sania Mirza (gồm Wimbledon và US Open). Ngoài ra, Hingis cũng thi đấu cùng Leander Paes và vô địch Australian Open, Wimbledon, US Open ở nội dung đôi nam nữ.
9. Anh em nhà Bryans xuống dốc
Là cặp đánh đôi xuất sắc nhất trong lịch sử, Bob và Mike Bryan đã không có một mùa giải như ý khi chỉ còn đứng thứ 3 và thứ 3 thế giới. Họ chỉ vô địch 6 giải, thành tích kém nhất kể từ năm 2005. Và cũng là lần đầu tiên kể từ năm 2004, anh em sinh đôi này không vô địch Grand Slam. Sự nghiệp của họ bị phân tán bởi những chấn thương và việc lập gia đình.
10. Những tay vợt trẻ người Mỹ
Quần vợt nam Mỹ đã có những thay đổi ít nhiều mùa này với sự xuất hiện của hàng loạt tay vợt trẻ tiềm năng. Tay vợt số 1 nước Mỹ John Isner thì đứng thứ 11 trên BXH ATP nhưng những tay vợt tuổi teen thì làm nên chuyện ở giải trẻ. 3 giải Grand Slam thanh thiếu niên được thống trị bởi những người Mỹ, Tommy Paul ở Roland Garros, Reilly Opelka ở Wimbledon và Taylor Fritz ở US Open. Có 3 cái tên khác cũng lọt vào được top 200 là Jared Donaldson, Fritz và Frances Tiafoe.